“Tháng Tư về xuân bối rối lùi xa
Gọi mùa hoa thêm nồng nàn bỏng cháy”
Người ta háo hức khăn gói lên đường khám phá sắc hoa anh đào Sakura nhuộm khắp đất nước Nhật Bản, hay rạo rực ngắm màu hoa tulip tô vẽ trên các cánh đồng Hà Lan. Đâu cần ngóng xa xôi, tháng Tư về nhè nhẹ gọi những mùa hoa trên khắp các vùng đất nước, khoác lên tấm áo rực rỡ đón mùa mới.
Hà Nội có 12 mùa hoa, và nữ hoàng tháng Tư chẳng đâu khác hơn hoa loa kèn. Cánh trắng tinh khôi bao quanh nhụy vàng, hương thơm thanh khiết nhè nhẹ tỏa, người vô tâm cũng khó phớt lờ vẻ đẹp quyến rũ của hoa loa kèn.
Tháng Tư bâng khuâng về, len vào những con đường đông đúc, những ngõ nhỏ của Hà Nội trên những gánh hàng hoa. Sáng sớm giữa cái se mát của làn gió trời, sắc màu trắng thanh tao tương phản với lá xanh thẫm của hoa loa kèn rực góc trời, người Hà Nội nhủ thầm “Tháng Tư về!”.
Người Hà Nội có thú vui tao nhã là ngắm bình loa kèn bên bệ cửa sổ, nhấm nháp trà sen mà khen gió mùa hây hây thổi. Nhà nào cũng có lọ hoa trắng 6 cánh, như mang cả tháng Tư vào nhà.
Hoa loa kèn theo chân người Pháp vào Việt Nam, theo cùng là nền nghệ thuật đương đại, là những lãng mạn nồng nàn. Nhắc đến loài hoa này, người ta nhớ ngay đến tác phẩm hội họa kinh điển: Thiếu nữ bên hoa huệ.
Hoa huệ đây chính là hoa huệ tây, một tên gọi khác của hoa loa kèn. Trong bức tranh, thiếu nữ trong bộ áo dài trắng muốt, nghiêng đầu thưởng thức bông hoa trắng. Dáng vẻ nữ tính của nàng bao bọc lấy hoa, tạo nên “đường xoắn ốc vàng” hài hòa bố cục.
Thú chơi hoa tao nhã của người đất Tràng An, vẻ đẹp tinh tế dịu dàng của người con gái Việt bên dưới nét cọ Tô Ngọc Vân đĩnh đạc trở thành tác phẩm tiêu biểu nhất của mĩ thuật Việt Nam đầu thế kỉ XX.
Hoa loa kèn vào hội họa, vào thi ca và theo vào các bộ sưu tập ảnh mơn mởn tươi trẻ của những cô thiếu nữ đương xuân. Chụp ảnh cùng bó hoa loa kèn, hoặc đắm mình trong sắc trắng bồng bềnh giữa cánh đồng hoa trở thành thú vui của những thiếu nữ Hà Thành đằm thắm.
Trong chiếc áo dài trắng thanh nhã, nụ cười dịu dàng, vóc dáng yểu điệu của các cô làm say lòng người khi có dịp ngắm giữa những hối hả trên phố đông. Và tưởng tượng xem, cô dâu trong tà áo dài tinh khôi bên hoa huệ sẽ làm mê đắm biết bao người với vẻ đẹp hoài cổ, duyên dáng, thướt tha.
Tháng Tư về, gió hát mùa Hè… Đến thăm Hà Nội mùa này, đừng quên ghé tham quan các cánh đồng hoa loa kèn trắng muốt tại Quảng Bạ, Tây Tựu, Nhật Tân, để được đắm mình trong sắc trắng thanh tao, của hương sắc tháng Tư tinh khôi.
Sài Gòn không có bốn mùa Xuân – Hạ – Thu – Đông, chỉ có hai mùa mưa nắng. Nắng không chói chang mà rực rỡ, mưa không bạo liệt mà thoắt tới thoắt đi. Cái “dở dở ương ương” có đôi chút đỏng đảnh của thời tiết, chắc chỉ có mỗi hoa giấy là chiều chuộng được.
Hoa giấy không hương sắc yêu kiều như nhiều giống hoa quý tộc khác. Hoa nở âm thầm, bung nở lặng lẽ mà rực rỡ đến nhiệt tình, đến khi tàn vẫn giữ vẹn sắc tươi, chỉ theo làn gió rụng xuống đường và vẽ tiếp nên màu tươi tắn. Sống hồn hậu, cống hiến tận lực, chẳng ngoa khi bảo rằng loài hoa này biểu trưng cho bản tính của người Sài Gòn.
Trời càng nắng càng khô, hoa giấy càng thắm màu càng nở rực. Bất chấp sự bạc thiếu chăm sóc, hoa giấy vẫn trả lại cho con người bóng mát và sự lãng mạn dưới giàn hoa giấy. Chẳng thế mà, đi đâu lang thang giữa Sài Gòn hoa lệ, hoa giấy là thứ cây dễ bắt gặp nhất. Hoa giấy trưng cho đẹp nhà; Hoa làm cổng rào; Hoa che bóng mát…
Với giới trẻ Sài thành, giàn bông giấy nở bung rực rỡ như ngàn xác pháo không thể thiếu trong những khung ảnh “sống ảo, diễn sâu” tháng Tư về. Muốn săn vẻ đẹp của loài hoa, chẳng đâu ở Sài Gòn – TP.HCM đẹp bằng đảo Kim Cương – Khu đô thị mới ở quận 2 hoặc bờ kè đá ở đường Hoàng Sa, Phường 7, Quận 3, đối diện số 627 Hoàng Sa.
Hoa giấy đảo Kim Cương trồng trước cổng nhà, tạo thành vách ngắn tự nhiên giữ sự kín đáo cho những căn biệt thự êm đềm. Nhìn những chùm bông giấy nhẹ nhàng buông thả, cảm nhận ngay sự nhẹ nhàng tự tại và đầm ấm bên trong những ngôi nhà kia.
Hoa giấy nhẹ nhàng bước vào tuổi học sinh, được học trò hái lấy ép vào sổ lưu bút, ép vào tập cho đẹp. Những hẹn hò đầy e ấp của buổi đầu cũng thường chọn bên dưới giàn hoa giấy nhà ai, để hồi hộp chờ đợi, để trộm nhìn len lén người ấy… Hoa giấy là biểu tượng của tình yêu đơn sơ mộc mạc. Bạn đã có thêm ý tưởng chụp hình cùng người thương?
Cũng lặng lẽ góp hương sắc cho đô thị, hoa muồng hoàng yến. Loài này còn có một số tên khác như Muồng bò cạp, Hoa lồng đèn, Bò cạp nước, Bò cạp vàng, Mai dây, Cây xuân muộn, Mai nở muộn vì sắc hoa vàng xao xuyến của nó.
Loài hoa này tiếng Thái gọi là Ratchaphruek, được chọn làm quốc hoa của đất nước này. Hoa nở theo từng chùm rực rỡ, phủ cả vùng trời xanh màu vàng rực – Biểu tượng màu sắc của Phật giáo, màu của hoàng gia, tượng trưng cho sự vinh quang và tình đoàn kết.
Hoa cũng được tôn vinh ở Lào, quốc gia Phật Giáo. Vào ngày Tết Bunpimay, người Lào sử dụng hoa trong ngày tết để cầu may. Họ cài trên xe, cài lên cổng vào, trang trí nhà cửa, với mong muốn mang lại may mắn cho gia đình.
Ở Việt Nam, muồng hoàng yến góp mặt ở các cánh rừng thưa ở các tỉnh Tây Nguyên như Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk; xuống đến tận các đô thị như Nha Trang, Đà Lạt, Đà Nẵng… Hoa đặc biệt mọc thành hàng và trở thành một trong những loài hoa biểu trưng của Sài Gòn, bên cạnh hoa giấy.
Người ta hay nói hoa muồng hoàng yến là loài hoa báo hiệu thời khắc giao mùa. Hoa nay nở vào cuối tháng 3, nở bừng vào tháng 4, hòa vào cái nắng gay gắt của ngày Hè. Dạo bước ở Sài Gòn, chúng ta sẽ bắt gặp loài hoa này ở những con đường như Điện Biên Phủ (quận 10), Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh), các công viên Lê Văn Tám, Hoàng Văn Thụ, Lê Thị Riêng. Cái nắng gay gắt giữa phố nhường chỗ cho bóng mát lơ thơ dưới những tán hoa, vương chút tình thơ cho phố đông đúc.
Cũng như bông giấy, muồng hoàng yến nở hoa suốt năm, rộ lên vào tháng Tư, tháng Năm. Chính vì quá quen thuộc, người ta có khi vô tình hờ hững đi qua. Nhưng cũng như ôxy cho cuộc sống, loài hoa không cao sang không đỏng đảnh vẫn âm thầm tô điểm cho đời. Nếu có một ngày đi ngang những cung đường không còn thấy sắc rực rỡ hoa giấy, sắc vàng muồng hoàng yến, bạn sẽ ngỡ ngàng thấy phố mất đi phần hồn. Vàng rực rỡ, vàng sống động đến thế, sao nỡ bỏ những shoot ảnh vấn vương?
“Ai lên xứ hoa đào, đừng quên mang về một cành hoa”, người ta vẫn thường nhắn nhau câu này khi ai đó có dịp ghé Đà Lạt – Thành phố của ngàn hoa. Mà, Đà Lạt đâu chỉ có hoa đào!
Tháng Tư, trời Hè Đà Lạt nhưng được đánh thức bởi sắc tím mơ mộng từ những cây hoa phương tím, dọc các triền dốc Đà Lạt như đường Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Thị Minh Khai, Trần Phú, Lê Hồng Phong…
Phượng tím đã có mặt tại thành phố Lâm Đồng này từ thời Pháp thuộc, với chỉ vài cây èo uột. Đã có thời, người ta nghĩ Đà Lạt sẽ sạch bóng phượng tím vì những cây ban đầu khó chống chịu với vùng đất mới.
Kỹ thuật trồng trọt mới mẻ hiện nay, người ta lai trồng dễ dàng, phượng tím dần trở nên phổ biến ở Đà Lạt, trở thành loài hoa gọi mùa không thể thiếu tại vùng đất này. Để mỗi khi trở mùa, bước sang tháng Tư, sắc tím của hoa lại nhuộm phố núi, đánh cắp trái tim của khách lãng du tình cờ bắt gặp.
Đâu cần phải đợi tới tháng năm rực rỡ, mỗi mùa mỗi vùng trong năm đều có thể bắt gặp những sắc hoa đẹp. Đặc biệt, hoa trong lòng đô thị càng đáng trân quý hơn. Giữa những ngổn ngang bê tông cốt thép, sắc thanh tao của loa kèn, thâm trầm của phượng tím, hoặc rực rỡ của hoa giấy hoa osaka như “làm mềm” đi cái gai góc của phố đông.
Tháng Tư (April) có tên gốc Latin là “MỞ”. Vẻ đẹp không ở đâu xa, mở cửa mở lòng ra và cảm nhận bạn nhé!