Tôi giúp chị mình chuẩn bị cho đám cưới vào tháng 9/2014, rút ra được vài kinh nghiệm khi làm việc với nhà hàng nên chia sẻ ở đây, hy vọng giúp ích cho những bạn đang chuẩn bị cưới. Hơi dài dù đã cố gắng ngắn gọn nên nếu không phải là người kỹ lưỡng, chăm chút bạn có thể bỏ qua.
Chị tôi chọn Grand Palace vì người nhận tiệc tỏ ra hiểu ý chị không muốn tổ chức tiệc theo chương trình mặc định của các nhà hàng tiệc cưới. Thực tế buổi tiệc không diễn ra như thống nhất giữa hai bên, tôi yêu cầu một cuộc gặp với cấp quản lý và nhận được hai thư, một gửi chị và một gửi tôi. Không thể thuật lại toàn bộ chi tiết những gì đã xảy ra nhưng tôi đăng dẫn hai thư, bạn có thể xem và tự mình nhận định.
Vài kinh nghiệm chia sẻ:
– Nên nhờ một người, gia đình hoặc bạn bè, đại diện làm việc với nhà hàng vì bạn – cô dâu/chú rể là người quyết định mình muốn gì nhưng không thể là người phụ trách, theo dõi tiệc. Bạn nên nhờ người này đi cùng trong tất cả những buổi gặp với nhà hàng để thảo luận chi tiết, nếu không thì sau mỗi buổi họp cần có biên bản ghi lại những điểm đã thống nhất và gửi cho cả ba. Việc này sẽ giúp bạn được thoải mái tinh thần trong ngày cưới và tránh được những tranh cãi giữa nhà hàng và gia đình.
– Những yêu cầu bạn đưa ra người nhận tiệc (nhân viên kinh doanh) có thể ghi nhận, nhưng người này không tự mình làm mà sẽ triển khai đến những bộ phận liên quan như bếp, “event”, v.v. nên để yên tâm bạn hoặc người đại diện nên yêu cầu được kiểm tra các hạng mục, vào thời điểm phù hợp. Tiệc của chị tôi đón khách từ 18.30. Tôi đến nhà hàng vào khoảng 14.50 nhưng đến lúc xem được bánh cưới vẫn không đủ thời gian chỉnh lại như đã thống nhất. Theo chương trình, nến trên bàn khách sẽ được nhân viên phục vụ thắp đồng loạt để bắt đầu nghi lễ nhưng khi còn đang đón khách, tôi được gợi ý nên cho thắp luôn để tránh nhân viên phục vụ thắp không được đồng bộ, tôi không đồng ý nhưng họ vẫn tiến hành. Tôi tự hiểu rằng nếu mình đã kiểm tra từ sớm xem họ đã chuẩn bị trước hộp quẹt cho nhân viên phục vụ của mỗi bàn hay chưa thì việc này có lẽ đã không xảy ra.
– Bạn nên xem như hết tiệc là nhà hàng hết trách nhiệm (đây có lẽ đã là “lề thói” kinh doanh phổ biến) để khi xong tiệc nếu có những bất đồng hoặc không vừa ý với nhà hàng cần ngồi lại tìm hướng giải quyết ngay. Nếu được yêu cầu điền vào bảng đánh giá bạn nên khách quan và chính xác, không vì mệt hoặc nhã khí mà làm việc này một cách qua loa hay rộng rãi. Nên kiểm tra lại phòng tiệc tránh để quên hoặc nhờ giữ lại đồ đạc. Ở trường hợp của chúng tôi, kết thúc tiệc người nhận tiệc hẹn đến lấy tấm backdrop in hình cưới (chúng tôi tự in) vào một ngày khác, nhưng khi chúng tôi đến thì chỉ nhận được lời hứa sẽ gửi lại sau?! và sau nhiều lần lần lữa, khoảng một tháng sau chị tôi được xác nhận tấm backdrop đã mất.
Tôi nói thêm một chút là trong và sau buổi tiệc người nhận tiệc đã nhận lỗi và xin lỗi, nhưng khi tôi yêu cầu đưa sự việc đến cấp quản lý thì thông tin có vẻ như đã được xử lý khác đi và chỉ trong nội bộ, theo như hai thư trên. Nên nhà hàng tiệc cưới nhiều nhưng vẫn thiếu, và câu hỏi nhà hàng tiệc cưới nào tốt còn khá chung chung. Vấn đề là dù bận bạn cũng nên kỹ lưỡng khi làm việc với nhà hàng, để tự bảo vệ quyền lợi của mình. Tiếc rằng những lời tự mô tả bản thân, như “chăm chút tỉ mỉ đến từng chi tiết” hay “chuyên nghiệp” mà các nhà hàng vẫn đưa ra để thu hút khách vẫn còn là những lời nói suông dễ dàng hơn là sự nghiêm túc thực sự đến từ bên trong.
Chúc các bạn làm tốt.
rất có ích cho các bạn sắp cưới nhé
Bài chia sẻ rất hay và thực tế đấy bạn à! Sao bạn không đăng ở mục blog ấy.