01. Xác định phong cách Đám Cưới của bạn
Trước khi quyết định làm điều gì khác, bạn hãy suy nghĩ kỹ về phong cách: “Đám Cưới của mình sẽ như thế nào? Cổ điển, siêu thoải mái, thô mộc, quyến rũ hay cực kỳ hiện đại?” – điều này sẽ giúp bạn định hướng được kiểu thiết kế Thiệp Cưới. Hẳn là bạn cũng muốn Thiệp Cưới phải phù hợp với tổng thể chung và phong cách Đám Cưới mà bạn đang hướng tới.
02. Thiết kế và màu sắc
Bạn cần xác định sẵn ý tưởng trong đầu để có thể trao đổi dễ dàng với Wedding Planner hoặc nhà cung cấp thiệp (trong trường hợp bạn không nhờ sự trợ giúp của một Wedding Planner). Hãy tận dụng các tạp chí liên quan lĩnh vực cưới, nguồn internet, bạn bè hay bất kì nguồn tư liệu nào gợi cảm hứng cho bạn.
Bên cạnh ý tưởng thiết kế, bạn cần lưu tâm đến màu sắc thiệp. Ví dụ chữ màu vàng thì nên phối trên nền màu ngà voi, nếu trắng hoặc kem thì kết hợp với sắc đen, hoặc bạc tạo nên sự thanh lịch cho một Đám Cưới cổ điển. Trong khi đó, một chiếc thiệp có hình dạng bất thường, màu sắc sặc sỡ với phông chữ kim loại có thể là một gợi ý hay cho Đám Cưới phá cách. Một người Wedding Planner tốt sẽ có thể giúp bạn biến những suy nghĩ độc đáo ấy thành hiện thực.
03. Thời gian
Đừng để nước đến chân mới nhảy! Thiệp Cưới nên được in từ 3-4 tháng trước Đám Cưới và lời mời thực tế nên được gửi đi khoảng 2-4 tuần trước đó. Hãy nhớ rằng, để in Thiệp Cưới có thể mất từ 7-10 ngày thậm chí đến một vài tuần (tùy thuộc vào thiết kế đã chọn) để có thể cho ra được những mẫu in hoàn chỉnh, chưa kể đến là những sự thay đổi về mặt thiết kế hay lỗi in ấn cần phải in bổ sung, do đó đừng để cho đến phút cuối cùng rồi mới lật đật đi liên hệ nhà cung cấp.
04. Hình dạng và kích thước thiệp
Thông thường, Thiệp Cưới sẽ có dạng hình chữ nhật với hai hoặc ba nếp gấp, nhưng hiện nay, nhiều cặp đôi muốn phá cách để thoát khỏi sự truyền thống và tìm tới những mẫu Thiệp Cưới mới lạ.Vì vậy, đối với những Cô Dâu Chú Rể thuộc tuýp “không ngại thay đổi”, thì điều duy nhất cản trở họ sở hữu mẫu Thiệp Cưới độc đáo chỉ là “sự giới hạn bởi trí tưởng tượng và khả năng của nhà cung ứng”. Tuy nhiên, một điều cần lưu ý là “nếu bạn chọn một thiết kế khác thường, kích thước thiệp độc đáo vượt ngoài quy định của một phong bì tiêu chuẩn cũng đồng nghĩa là bạn sẽ phải chi thêm những khoảng phí bổ sung” – và cả chi phí phụ thu trong bưu chính (nếu bạn có ý định gửi thiệp mời qua bưu điện).
05. Trình bày văn phạm một cách khôn khéo
Thứ nhất: Không bao giờ dồn ép mọi thông tin vào một tờ giấy! Thiệp Cưới chỉ cần nêu rõ sự kiện quan trọng: chủ tiệc, tên của Cô Dâu – Chú Rể, hôn lễ và tiệc mừng, thời gian – địa điểm, loại trang phục (tùy trường hợp) và thông tin hồi đáp (RSVP). Bất cứ điều gì khác nên được in trên một thẻ thông tin riêng biệt đính kèm trong phong bì với lời mời.
Thứ hai: Đảm bảo font chữ và màu sắc bạn chọn là rõ ràng – mực đen trên nền thiệp sáng màu hoặc mực in màu sáng trên tông nền tối sẽ tạo độ tương phản tốt nhất khiến người nhận dễ đọc hơn. Lựa chọn phông chữ cũng rất quan trọng bởi nó sẽ phản ánh sở thích cá nhân của bạn, tuy nhiên phông chữ trang trí công phu lại gây nhiều khó khăn cho người đọc.
06. Xem xét số lượng và chi phí
Giá mỗi mẫu thiệp rất khác nhau. Tùy thuộc vào thiết kế nó có thể giao động từ 3.000 VND – 150.000 VND. Nó hoàn toàn phụ thuộc vào mẫu mã, chất lượng giấy, màu, mực in, kiểu chữ và quá trình in ấn cần thiết. Bạn cũng sẽ phải chi nhiều tiền hơn cho giấy và các kỹ thuật in ấn tốt nhất (chẳng hạn như khắc chữ). Mẫu thiệp hình dạng bất thường cũng sẽ làm tăng chi phí của bạn. Vì vậy, các mẫu thiệp cũng cần được bạn nghiên cứu lựa chọn và thảo luận kỹ với nhà cung cấp. Thêm một lưu ý là: luôn đặt hàng nhiều hơn số lượng bạn cần 10-20%. Bạn không bao giờ biết khi nào bạn có thể làm hỏng một vài chiếc thiệp, như viết sai chính tả chẳng hạn, hoặc bạn có thể cần phải gửi lời mời thêm vào phút cuối cùng, hoặc chỉ đơn giản là có thể bạn muốn giữ một vài cánh thiệp như vật lưu niệm – nếu bạn in dư Thiệp Cưới từ đầu, bạn sẽ tiết kiệm chi phí nhiều hơn là để phút cuối phát sinh và phải in thêm.
07. Kiểm tra mẫu nháp thật CẨN THẬN!
Nhà in sẽ gửi một bản nháp cho bạn trước khi họ tiến hành in hàng loạt. Hãy kiểm tra, kiểm tra và rà soát nó thật kỹ! Như vậy tránh được các sai lầm nhỏ và cũng hạn chế các tốn kém phát sinh sau này. Một khi nhà cung cấp đã hoàn thành việc giao đủ số lượng cho bạn, họ sẽ không in bổ sung với số lượng nhỏ, trừ khi bạn đặt hàng lại với số lượng lớn. Một mẹo nhỏ cho bạn để quản lý quy trình kiểm tra bản nháp là: sử dụng phương pháp gạch chân dưới mỗi từ, đọc từng chữ một, chậm rãi. Làm kĩ ngay từ đầu, bạn sẽ không phải cảm thấy hối tiếc về sau.
08. Đặt hàng tất cả các sản phẩm in ấn dùng trong Đám Cưới của bạn
Hãy suy nghĩ về những thứ cần in ấn như: chương trình Lễ Cưới, menu, số bàn tiệc, bản kế hoạch, sơ đồ, họa tiết trang trí… Sự thật là có lẽ bạn sẽ cần tất cả các ấn phẩm này nếu muốn đảm bảo sự gắn kết xuyên suốt Đám Cưới. Bạn cũng nên xem xét tất cả các yêu cầu về in ấn ngay từ đầu, nếu bạn không thể đặt tất cả các mặt hàng này tại một thời điểm, bạn có thể đặt in sau, nhưng điều chắc chắn là bạn có thể được hưởng giá ưu đãi khi mà tất cả các sản phẩm ấy được cung cấp bởi một đơn vị duy nhất.
nên hỏi nhà hàng về tông màu trang trí chủ đạo trong đám cưới rồi quyết định
lên kế hoạch và chuẩn bị mọi thứ chu đáo, bao gồm cả thiệp cưới
Vì ở nhà hàng họ chỉ cố định đồ trang trí thôi. Ví dụ chỉ có hai màu trắng xanh hoặc tím trắng. Muốn thay đổi toàn bộ thì chi phí cao lắm
Lời khuyên rát hữu ích, nhưng mình thấy đa phần các bạn trẻ ở VN mà tổ chức tại nhà hay nhà hàng thường ít quan tâm thiệp cưới với tông màu cưới
Theo lời khuyên này bạn sẽ không bị rối khi chuẩn bị cho lễ cưới của mình