Lễ ăn hỏi rất quan trọng và được nhiều gia đình cho là không thể thiếu được trước khi lễ cưới chính thức diễn ra. Tuy nhiên đó là quan điểm khi mà nền kinh tế nông nghiệp còn làm chủ đạo, con người có thể thong dong sau những ngày mùa rộn rã. Ngày nay, cuộc sống luôn quay cuồng trong công việc, nhất là đối với những cư dân thành thị. Thêm vào đó, gia đình cô dâu và chú rể có thể ở rất xa nhau, kẻ Bắc, người Nam, thậm chí là ở nước ngoài. Vì vậy việc chuẩn bị lễ hỏi nhiều khi lại gặp nhiều khó khăn và liệu lễ hỏi có còn cần thiết giữa thời buổi mọi thứ đều được giản tiện?
Nên…
Với gia đình coi trọng truyền thống thì lễ hỏi bắt buộc phải có. Ba mẹ nào cũng thương con, đều mong muốn con gái có một đám cưới đàng hoàng, đủ lễ cho con khỏi tủi thân cũng như để mở mày mở mặt với bà con chòm xóm. Lễ hỏi cũng thể hiện sự tôn trọng cô dâu của nhà trai và sự chân thành mong muốn cô dâu trở thành thành viên mới trong gia đình chú rể.
Đối với những gia đình ở xa nhau thì lễ hỏi chính là dịp để ba mẹ hai bên có dịp tiếp xúc với nhau, hiểu nhau hơn. Ba mẹ cô dâu an tâm vì biết mình gả con vào nhà tử tế, ngược lại, ba mẹ chú rể cũng biết được gia phong, nền nếp gia đình đàng gái.
Mâm quả trong cưới, hỏi của người Việt
Việc chuẩn bị cho lễ hỏi cũng là dịp cho cô dâu, chú rể có dịp cùng nhau xử lý chung một vấn đề. Khi bàn tính chuyện cưới hỏi, khó tránh bất đồng vì có ý kiến từ nhiều phía và do lối sống, suy nghĩ, hoàn cảnh và phong tục khác nhau của hai gia đình, nhưng nó sẽ là cơ hội tốt cho hai vợ chồng hiểu, thông cảm nhau hơn. Lễ hỏi cũng là bước đệm để cô dâu tập làm dâu, làm vợ. Bên cạnh đó, đám hỏi cũng được xem như đám cưới “nháp” giúp hai gia đình có sự chuẩn bị kỹ càng cho lễ cưới chính thức chỉnh chu, toàn vẹn.
… và không nên
Trở ngại lớn nhất của việc tổ chức lễ hỏi đối với những cặp đôi quê xa nhau chính là khoảng cách. Trong thời đại hiện nay, các bạn trẻ luôn muốn ra đi tìm kiếm cơ hội khẳng định bản thân. Trên bước đường đó, họ sẽ gặp nhau và kết duyên tại một vùng trung tâm hội tụ. Vì vậy chúng ta không hề lạ khi hai nhà trai gái ở cách nhau cả nghìn cây số. Chi phí, thời gian đi lại, nỗi lo về an toàn giao thông sẽ gây khó khăn nếu lễ hỏi được tổ chức đúng theo nghi thức truyền thống. Sức khỏe của các bậc phụ mẫu của là vấn đề cần được lưu tâm khi phải thực hiện chuyến đi dài nếu không đủ kinh phí cho đường hàng không.
Trầu, cau và rượu là lễ vật không thể thiếu
Bà con, bạn bè hai họ đều phải đi học, đi làm vậy nên dành thời gian cho hai bạn với hai lễ khác nhau rất khó. Công sức cả hai nhà bỏ vào lễ hỏi cũng không phải là ít. Bên cạnh đó, phí tổn cho hai lễ cũng là một gánh nặng với những gia đình không được khá giả.
Vậy thì việc tổ chức lễ hỏi còn tùy thuộc vào tình hình thực tế của từng gia đình. Đám cưới có diễn ra suôn sẻ, hai bên gia đình có vui vẻ không là do hai bạn trẻ. Nếu biết cách dung hòa thì sẽ nhận được sự cảm thông từ hai phía. Tuy nhiên, nhà trai cũng nên tôn trọng nhà gái vì “nhập gia tùy tục”. Theo đúng với truyền thống thì nhà trai nên đặt vấn đề với nhà gái xin hỏi, cưới đàng hoàng. Nếu trong trường hợp nhà trai không có điều kiện đi lại, tổ chức thì hai bạn trẻ nên bàn bạc với nhau, thống nhất ý kiến, sau đó bạn gái sẽ nói khéo với bố mẹ mình để đơn giản thủ tục cho nhà trai. Tuy không làm lễ rềnh rang nhưng bên nhà trai cũng nên có lời để nhà gái được lòng, rồi nhà gái sẽ khéo léo từ chối. Như thế thì cả đôi bên cùng vừa ý, vui vẻ. Hoặc cả hai bên sẽ thống nhất để gộp chung đám hỏi vào đám cưới để tiện việc đi lại, giảm tối đa chi phí.
st
đúng là xa quá thì nên gộp cho đỡ tốn kém và vất vả đi lại
sát nhau quá thì chuẩn bị cũng gấp nhỉ
có khi chỉ cách nhau có 1 tháng thôi, đẹp ngày thi cuối
Mình thì lễ hỏi và cưới thường cách nhau 3-6 tháng trừ vài trường hợp đặc biệt
Ở chỗ mình ngày ăn hỏi và ngày cưới sát nhau luôn ạ :))