Những ngày gần đây, làng điện ảnh Việt đang “sôi sùng sục” vì câu chuyện về một Cô Ba Sài Gòn đi tìm chính bản ngã của cuộc sống thông qua trang phục truyền thống Việt Nam – Áo Dài. Và cũng nhờ thế, tà áo dài cưới Sài Gòn những năm 1960 lại một lần nữa “sống dậy” trong tâm thức người Việt trẻ.
Đôi nét về phim Cô Ba Sài Gòn
Bộ phim bắt đầu từ câu chuyện của cô tiểu thư đài các của nhà may Thanh Nữ, khi sự “nổi loạn” đặt cạnh nét văn hoá truyền thống Việt Nam xoay quanh thời trang của Sài Gòn những năm 60 – 70. Mâu thuẫn dâng cao giữa mẹ con Thanh Mai đã tạo nên nút thắt cho toàn nội dung bộ phim.
Như Ý vô tình có chuyến xuyên không đến hơn 48 năm sau, đối mặt với chính cô, rệu rã và bệ rạc. Gặp gỡ những con người mới, bối cảnh và hoàn cảnh sống mới. Và hơn hết, chính Như Ý không chỉ phải đi tìm lối thoát cho bản thân mà còn phải chuộc lỗi cho những sai phạm, bù đắp cho sự thất bại ngày trước.
Cô Ba Sài Gòn cũng chính là thông điệp mà chính Ngô Thanh Vân và NTK Thuỷ Nguyễn muốn mang lại cho khán giả về trang phục truyền thống Việt Nam – áo dài. Sài Gòn ngày càng hiện đại hơn, con người bắt đầu học hỏi, “bắt kịp” những xu hướng mới, nhưng áo dài nói chung và áo dài cưới Sài Gòn luôn mang một vẻ đẹp bất biến với thời gian, là niềm tự hào của dân tộc.
Sự đối ngược giữa vẻ đẹp mang đậm màu sắc người con gái Sài Gòn xưa với những cách tạo dáng, ngôn ngữ hiện đại, phổ biến giới trẻ ngày nay chính là những gợi ý ngầm cho tính cách của nhân vật chính của Cô Ba Sài Gòn. Nơi mà Như Ý phải dung hoà sự mới mẻ của một Sài Gòn phồn vinh đô thị của 2017 với “hòn ngọc Viễn Đông” của những năm 60 – 70.
Áo dài cưới Sài Gòn xưa – Chút hồi tưởng từ Cô Ba Sài Gòn
Tà áo dài cưới Sài Gòn xưa bám sát từng thời kỳ biến chuyển của phong cách may mặc áo dài nói chung. Thế nhưng dù có lịch sử lâu đời, kiểu dáng áo dài truyền thống phổ biến ngày nay gần như được hoàn thiện từ cuối thập niên 1960-1970. Đây cũng chính là thời đại mà phim Cô Ba Sài Gòn muốn tái hiện.
Sau thời kỳ của áo dài “Le Mur” do họa sĩ Cát Tường sáng tạo vào năm 1939 với phần tay xòe đặc trưng; Áo dài Bà Nhu (đầu những năm 1960) với điểm nhấn là chiếc cổ thuyền mới mẻ; Áo dài Raglan (trong thập niên 1960) với kiểu ráp mới giúp vải áo dài ôm dáng người mặc mà không nhăn; Chúng ta đến với chiếc áo dài mini cuối thập niên 1960.
Áo dài mini hay còn được gọi là áo dài chít eo trở thành thiết kế thời trang “mô đen” và được yêu thích nhất cuối những năm 1960. Phụ nữ Sài Gòn lúc này đã bắt đầu mặc áo nịt ngực và với tư duy cởi mở, sẵn sàng phối với những thiết kế phù hợp để tôn vòng một.
Áo dài mini cũng trở thành áo dài cưới Sài Gòn phổ biến trong suốt giai đoạn này cho đến nhiều thập niên sau. Bên cạnh đó, phiên bản không chiết eo của áo dài mini cũng tiến vào các trường học vì ưu điểm thoáng mát, tôn dáng mà không gây phản cảm.
Xuyên suốt phần đầu phim Cô Ba Sài Gòn, khán giả sẽ được chiêm ngưỡng tà áo dài mini với nhiều hình thái, màu sắc khác nhau tại bối cảnh nhà may Thanh Nữ. Tới phần cuối phim, hòa theo chuyển biến tâm lý của nhân vật Như Ý và thông điệp bộ phim, tà áo dài đã có sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa cổ điển và hiện đại.
Xem hội nhóm "Cô dâu Marry" nói gì: Tham gia là có quà!
Tham gia ngay