Chưa một tài liệu nào xác minh được năm mà khái niệm nhẫn cưới chính thức hình thành. Thế nhưng từ thời Ai Cập cổ đại, biểu tượng vòng tròn kết nối tình yêu đã manh nha xuất hiện và trở nên thân thuộc trong đời sống con người. Những chiếc nhẫn cưới trong thuở xa xưa ấy được chế tác thủ công từ vật liệu tự nhiên như xương thú hay cỏ cây. Xuyên suốt lịch sử mấy ngàn năm, ý nghĩa của nhẫn cưới mỗi ngày lại thêm sâu rộng hơn. Hình tượng chiếc nhẫn đã đi vào mọi nền văn hóa, mang theo lời thề nguyện thủy chung cho hàng tỷ tỷ cặp vợ chồng.
Chiếc nhẫn cưới và “lời thề nguyện” với ngón áp út
Từ xưa, chiếc nhẫn cưới đã được trang trọng đeo lên ngón áp út của người con gái để đánh dấu việc cô chính thức trở thành “vợ người ta”. Sở dĩ có phong tục ấy là vì y học La Mã cổ đại cho rằng ở ngón áp út có một mạch máu dẫn thẳng đến tim (Vena Amoris). Đeo nhẫn vào ngón áp út cũng tựa như dùng một chiếc vòng thiêng liêng trói buộc lấy trái tim – tình cảm của con người.
Còn đối với người Trung Hoa cổ, một bàn tay năm ngón thì mỗi ngón lại tượng trưng cho các mối quan hệ khác nhau. Theo họ, ngón tay cái là phụ mẫu, ngón tay trỏ là huynh đệ, ngón giữa là bản ngã, ngón áp út là phu thê và ngón út là con cái. Khi bạn để hai bàn tay đối diện, gập ngón giữa xuống và hướng 10 đầu ngón vào nhau, chỉ có hai ngón áp út là không thể tách rời. Hình tượng này nói lên một triết lý sâu sắc rằng: ngoài người bạn đời và chính bản thân mình, sẽ chẳng có ai ở cạnh ta mãi mãi. Vậy nên với cách lý giải ấy, truyền thống đeo nhẫn cưới ở ngón áp út cũng tồn tại ở cả văn hóa phương Đông.
Ý nghĩa của nhẫn cưới trong hôn lễ kiểu châu Âu
Tuy có lịch sử bao trùm cả thế giới, nhưng có thể nói rằng không trong nền văn hóa nào mà chiếc nhẫn cưới lại mang vai trò lớn như trong hôn lễ truyền thống kiểu châu Âu. Vào những năm chiến tranh loạn lạc và đặc biệt là từ Thế Chiến II, ý nghĩa của nhẫn cưới đối với người dân châu lục này lại càng thêm trọng đại. Đây chính là lời thề nguyện sắt son giữa trăm triệu binh lính phải xông pha nơi tiền tuyến và những người vợ hiền mỏi mòn chờ đợi họ nơi hậu phương. Sau thời kỳ này, chiếc nhẫn cưới chính thức được trao cho cả nam và nữ chứ không phải chỉ dành cho cô dâu như trước đây.
Mặt khác, châu Âu cũng chính là nơi đã khai sinh ra truyền thống trao nhẫn cưới kim cương. Kể từ thập niên 1930, với công sức quảng bá rầm rộ của công ty đá quý DeBeers, những viên kim cương tượng trưng cho tình yêu vĩnh cửu và cao quý đã gắn liền sứ mệnh với nhẫn cưới. Để rồi trong thời hiện đại này, khi nhắc tới nhẫn cưới, có lẽ phần lớn chúng ta đều liên tưởng tới nhẫn kim cương chứ không phải chỉ là vàng bạc đơn thuần.
Nếu nhìn nhận thực tế hơn chút nữa thì một cặp nhẫn đẹp, có giá trị cao và vừa vặn với đôi tay cặp vợ chồng son chính là một trong những cách rõ ràng nhất để chứng minh tiềm lực tài chính của gia đình hai họ. Vậy nên khâu trao nhẫn luôn là khoảnh khắc trọng đại và thu hút nhất trong hôn lễ kiểu Âu.
Kết
Vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, ý nghĩa của chiếc nhẫn cưới trong thời hiện đại đã dần bị mai một, thậm chí quên lãng. Có nhiều cặp vợ chồng sẵn sàng bỏ nhẫn vào hộc tủ ngay sau đám cưới, không phải vì thiếu tình nghĩa với nhau mà chỉ coi đó như món trang sức không hơn không kém. Còn bạn thì sao? Biểu tượng vòng tròn tình yêu vĩnh cửu ấy có được lưu lại trên ngón áp út của bạn lâu dài và thường xuyên không?
Xem hội nhóm "Cô dâu Marry" nói gì: Tham gia là có quà!
Tham gia ngay