Thông thường, nhiều cô dâu chú rể và gia đình cảm thấy, hoang mang, lo lắng vì không biết việc gì cần làm, việc gì còn thiếu cho ngày trọng đại. Để không bỏ quên từ những chi tiết nhỏ nhặt nhất, đôi uyên ương nên liệt kê toàn bộ công việc cần thiết ra giấy, để kiểm soát được tình hình chuẩn bị, việc nào đã xong có thể gạch bỏ, việc nào chưa hoàn thiện cần chú ý hoàn thành sớm.
Báo Ngôi Sao sẽ cùng điểm lại những công việc quan trọng mà cả nhà trai và nhà gái phải lo liệu, hoàn thành trước đêm ăn hỏi.
* Tại nhà trai
– Gia đình chú rể không cần thiết phải căng phông, làm cổng hoa vì sự kiện chính sẽ diễn ra tại nhà gái. Nếu khách tham dự không nhiều, cũng không cần dựng bạt.
– Cần dọn dẹp nhà cửa, lau dọn bàn thờ tổ tiên.
– Để không khí thêm rộn rã, có thể treo thêm các dây kim tuyến hay dán các hình cô dâu chú rể tượng trưng như thông báo cho làng xóm, họ hàng biết về ngày vui của gia đình.
– Điều quan trọng nhất là gia đình chú rể phải lo đầy đủ các mâm tráp vì đây là vật phẩm không thể thiếu, cần đem tới nhà cô dâu để thực hiện nghi thức ăn hỏi.
– Chú rể cũng đừng quên chuẩn bị comple, cravat cho mình và áo dài cho mẹ, comple cho bố cùng trang phục của ông bà, người thân thiết nhất để diện khi tới nhà gái.
– Một ngày trước lễ ăn hỏi, chú rể nên chắc chắn toàn bộ đội bê tráp nam sẽ tham dự đầy đủ, đúng số lượng cần thiết. Nếu có thể, chú rể nên chuẩn bị quần áo, hoặc cravat cho đội bê tráp để đồng bộ.
– Chuẩn bị phong bao lì xì cho đội bê tráp nam để khi xong lễ ăn hỏi, đội nam sẽ trao phong bì duyên cho đội nữ. Số lượng mỗi người một phong bì.
– Vấn đề xe cộ cũng là điều gia đình nhà trai cần chuẩn bị. Trước ngày ăn hỏi, chú rể không cần chuẩn bị xe hoa, nhưng vẫn phải có ôtô để đưa đón các thành viên trong gia đình tới nhà gái. Nhiều gia đình thuê xích lô để chở tráp ăn hỏi thì nên chắc chắn số lượng xe trước một ngày.
– Nhà trai cũng cần chuẩn bị ít nhất một thợ chụp ảnh để ghi lại các hình ảnh đáng nhớ
– Chuẩn bị cỗ để đãi khách sau khi lễ ăn hỏi kết thúc. Thông thường, phần cỗ ăn hỏi của mỗi nhà trai nhà gái đều đặt và ăn riêng, nên số lượng cỗ sẽ căn cứ vào số lượng người trong từng đoàn của mỗi gia đình.
* Tại nhà gái
– Nhà gái sẽ phải dọn dẹp nhà cửa, lau dọn bàn thờ gia tiên.
– Chuẩn bị phông có ghi tên cô dâu chú rể, ngày ăn hỏi để chào đón nhà trai và làm đẹp khi chụp ảnh kỷ niệm.
– Với các gia đình cầu kỳ, nhà cô dâu có thể chuẩn bị một chiếc cổng hoa hoặc cổng bóng để không gian gia đình thêm đẹp. Các gia đình muốn giản tiện có thể chỉ treo dây kim tuyến, cầu hoa đơn giản.
– Với nhà gái chật, không đủ chỗ cho cả đoàn nhà trai và các thành viên trong gia đình ngồi tham dự lễ ăn hỏi, gia đình phải thuê bạt và dựng trước nhà để dành chỗ cho khách. Ngoài ra, cũng cần thuê bàn ghế đồng bộ để đặt mâm tráp nhà trai mang tới và làm chỗ tiếp khách. Toàn bộ cổng hoa, bạt, bàn ghế phải được vận chuyển, lắp đặt và sắp xếp hoàn thiện trong tối trước ngày ăn hỏi, không nên để tới sáng sớm ngày lễ chính mới làm, vì lúc đó có thể xảy ra sai sót không thể khắc phục.
– Thuê các bộ ấm chén để pha nước mời khách. Số lượng bộ ấm chén sẽ tương ứng với số lượng bàn tiếp khách.
– Đặt các lẵng hoa nhỏ để trang trí trên bàn uống nước. Số lượng lẵng cũng nên tương ứng với số bàn để trên mỗi bàn đều có một lẵng hoa đẹp.
– Cô dâu chuẩn bị sẵn áo dài cho mình và áo dài cho mẹ, comple cho bố cùng trang phục của ông bà, người thân thiết nhất để diện trong lễ ăn hỏi.
– Gọi điện hẹn lại với thợ trang điểm, làm tóc để nhắc họ tới đúng giờ.
– Liên lạc với đội bê tráp nữ, nhắc lại giờ để đảm bảo các cô gái bưng tráp đến đủ và đúng giờ.
– Chuẩn bị phong bao lì xì cho đội bê tráp, số lượng mỗi người một phong bì.
– Gia đình cô dâu nên chuẩn bị ít nhất một thợ chụp ảnh để ghi lại các hình ảnh của cô dâu với bạn bè, người thân trước giờ làm lễ và những khoảnh khắc đáng nhớ trong nghi lễ ăn hỏi.
– Nhà gái cần chuẩn bị cỗ để mời khách đã tới tham dự lễ ăn hỏi của gia đình. Số lượng cỗ cũng phải phù hợp với số lượng họ hàng của nhà gái tham dự ngày lễ.
st
nhiều việc làm đó nha, cần ghi nhớ lại để khỏi quên