Trước đây, lễ ăn hỏi chỉ đơn giản là bánh trái nhưng ngày nay ngoài những đồ lễ truyền thống đó thường kèm theo một phong bì, nhiều ít tuỳ thuộc vào hoàn cảnh mỗi gia đình. Đây là một đổi mới “rất tế nhị” trong đời sống xã hội hiện đại và được áp dụng trong hầu hết các đám cưới.
Có trường hợp hai bên gia đình đã biết nhau tương đối nên cởi mở hơn và vấn đề đó cũng trở nên dễ hơn, nhưng cũng có trường hợp hai bên chưa có cơ hội để hiểu ý tứ của nhau nên có thể tạo nên một phản ứng nào đó không hay. Vậy làm thế nào cho hợp tình hợp cảnh và bao nhiêu là hợp.
Vấn đề “tế nhị” này mang ra bàn cũng thật khó, song chúng tôi mạo muội nêu vài ý kiến, nếu thấy hợp thì các bạn làm theo, nếu chưa hợp thì các bạn cải tiến cho phù hợp với nghi thức đám cưới của gia đình bạn, dù cách nào thì cũng hướng tới mục đích là đám cưới diễn ra vui vẻ và hai họ thực sự hài lòng về nhau.
Ngày nay, gia đình nhà gái ít thách cưới hơn ngày xưa, hoặc có thách cưới cũng lựa theo gia cảnh nhà trai nhưng nói chung tục lệ này không nên tồn tại. Đời sống văn hoá mới tiến bộ hơn, thách cưới thực sự trở thành một hủ tục vì tính chất nguyên thuỷ của nó vẫn được giữ.
Còn phong bì trong lễ ăn hỏi của nhà trai gửi nhà gái lại mang tính chất khác, không phải là khoản “thách cưới” của nhà gái. Do đó nhà trai có thể chủ động về vấn đề này. Phong bì có thể đưa sau khi nhà gái nhận lễ, nhà trai phát biểu vài lời và gửi tiền nạp tài.
Số tiền này không cần phải nhiều quá nhưng cũng không nên ít quá mặc dù là tượng trưng. Vì theo quan điểm của người Viêt Nam, khi người con gái lấy chồng thì nhà chồng nghiễm nhiên có thêm một nhân lực mà không phải “nuôi nấng”, nên tiền nạp tài có ý nghĩa như là một phần trả nghĩa đã nuôi cô dâu và thể hiện một phần nào lòng biết ơn nhà gái.
Do đó số tiền này không nên ít quá nhưng không nhất thiết nhiều, vì nhiều quá lại làm mất đi ý nghĩa thiêng liêng ban đầu của nó.
Đám cưới hiện đại mang tính cởi mở hơn nhiều so với trước, dần dần mọi người trong xã hội nhận thức được tính chất thực của những nghi lễ này nên bạn có thể thẳng thắn trao đổi với nhau, còn nếu bạn cảm thấy khó thì bạn hãy chọn biện pháp chung chung nào đó.
Bạn vẫn băn khoăn không biết số tiền cho lễ ăn hỏi của con bạn là bao nhiêu, hãy đặt trường hợp mình và đối chiếu với nhà gái, một mức trung bình nào đó trong môi trường sống của bạn, ví dụ ở nông thôn có thể là 500.000đ – 1.000.000đ nhưng nếu ở thành thị thì con số này nên thay đổi tí chút, đây chỉ là một gợi ý nhỏ còn con số này có thể sai lệch rất nhiều.
Phong bì trong lễ ăn hỏi trở nên phổ biến tuy nhiên ta cũng không nên quá coi trọng ít hay nhiều. Điều quan trọng là hạnh phúc lứa đôi của vợ chồng trẻ.
tùy theo điều kiện và tình cảm người ta bỏ phong bì đó
giờ người ta bỏ phòng bị tầm 2 triệu đấy, bằng với giá một bàn tiệc